Lực lượng quân QGPMN tại Ban Mê Thuột:
Theo như sách Đại Thắng Mùa Xuân của Tướng Văn Tiến Dũng thì quân QGPMN tập trung tại Buôn Mê Thuột tới 5 sư đoàn bộ binh (Lời của Lê Đức Thọ). Tuy nhiên hồi ký của tướng Đặng Vũ Hiệp cho thấy chỉ có 3 sư đoàn là 10, 316, 320B và 3 trung đoàn Bộ binh biệt lập là 95 A, 95B và 25, kể như là 4 sư đoàn (khoảng 40.000 quân ).
Riêng sư đoàn thứ 5 là Sư đoàn 968 bị phi cơ VNCH tiêu diệt vào ngày 14-1-1975 trên đường xâm nhập vào Pleiku cho nên hồi ký của Tướng Hiệp ghi lại sư đoàn này (Chỉ còn Sư đoàn bộ chứ không còn quân) được giao nhiệm vụ làm nghi binh trên hệ thống truyền tin vô tuyến tại Kontum chứ không có tham dự trận đánh.
Ngoài 4 sư đoàn Bộ binh QGP, hồi ký của tướng Đặng Vũ Hiệp cho biết còn có Trung đoàn Pháo binh 40, Trung đoàn Pháo binh 675, Trung đoàn Phòng không 234, Trung đoàn Phòng không 593, Trung đoàn Đặc công 232, Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn chủ lực Miền 201 ( Của Mặt trận B.2 tăng phái ), Trung đoàn xe tăng 273, Trung đoàn 7 Công binh, Trung đoàn 575 Công binh, và Trung đoàn 29 Thông tin. Tổng cộng là 4 sư đoàn Bộ binh và 11 trung đoàn yểm trợ ( trang 391-395. Tất cả là 69 tiểu đoàn chủ lực, không kể các tiểu đoàn cơ động địa phương ).
Lực lượng quân VNCH tại Ban Mê Thuột
Trong khi đó lực lượng phòng thủ của VNCH chỉ có 2 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 23 BB. So sánh lực lượng chính quy giữa quân VNCH và quân QGPMN là 2/69, tức là 1 chọi 34.
Ngoài ra phía VNCH còn có 3 tiểu đoàn Địa Phương Quân (Sách của Đại tướng Văn Tiến Dũng cho rằng Tiểu khu Đắc Lắc có 3 liên đoàn Địa Phương Quân, tức là 9 tiểu đoàn, nhưng sự thực là 3 tiểu đoàn chứ không phải 3 liên đoàn). Tuy nhiên khả năng tác chiến của các tiểu đoàn ĐPQ chỉ là canh gác cầu đường, bảo vệ các cơ quan hành chánh. So sánh 3 tiểu đoàn Địa Phương Quân này chỉ ngang bằng 3 tiểu đoàn “cơ động tỉnh” ( Tiểu đoàn đặc công địa phương) của QGPMN tại Buôn Mê Thuột.
Và trong suốt 7 ngày diễn ra trận đánh thì phía VNCH tung thêm 3 tiểu đoàn Biệt Động Quân (Liên đoàn 21 BĐQ) và 4 Tiểu đoàn Bộ binh cho nên tương quan lực lượng được kể là 1 chọi 10.
Nhưng cho tới ngày QGPMN hoàn toàn làm chủ Buôn Mê Thuột vào ngày 17-3, thì phía VNCH chỉ có Tiểu đoàn 231 Pháo binh VNCH và Đại đội trinh sát Trung đoàn 45 BB/VNCH bị tổn thương, còn tất cả chỉ là cởi áo tan hàng. Cho nên quân VNCH thua không phải vì địch đông mà vì họ đã bị bỏ rơi giữa chiến địa, không có chỉ huy và không có tiếp tế.
Trong khi đó người đứng đầu quân đội VNCH là Tướng Cao Văn Viên chớ hề gởi thêm cho Tướng Phú một trung đoàn hay một tiểu đoàn nào để giúp Tướng Phú đối phó với tình hình. Mặc dầu Tướng Viên thừa biết tương quan lực lượng giữa quân VNCH và quân QGPMN là 1 chọi 10. Cũng chẳng có một lời cố vấn hay chỉ thị. Hoặc có một hành động tối thiểu chứng tỏ Bộ TTM muốn cứu nguy cho Quân khu 2.
Hoạt động chỉ huy và yểm trợ của Bộ tham mưu Quân đoàn 2
Còn người đứng đầu Bộ chỉ huy hành quân của Quân đoàn 2 là Đại tá Lê Khắc Lý chỉ đối phó cầm chừng, ông ta điều động quân đội chạy qua chạy lại nhưng chẳng theo chiến thuật chiến lược nào cả. Mọi chuyện ông ta đổ cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú là hết chuyện; còn ông ta và bộ tham mưu của ông ta chỉ ngồi hút thuốc chờ lệnh của Tướng Phú rồi chuyển lệnh cho các đơn vị.
Rõ ràng Bộ tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu 2 đã phản ứng bất động trước cuộc hành quân của tướng Văn Tiến Dũng. Nhưng đứng trước lịch sử, Tướng Phú đã chứng minh sự vộ tội của ông bằng hành động rút súng tự sát tại Đồi Dương và sau đó tự sát tại nhà. Ông chịu trách nhiệm làm mất Quân khu 2 do tính toán sai lầm của ông, chứ không phải ông cố tình làm mất Quân khu 2 theo lệnh của QGP hay của CIA. Cuối cùng cái chết của ông đã chứng minh được rằng ông không phải là người của QGPMN hay là người của CIA.
Ba tướng còn lại của Quân Khu 2 là Trần Văn Cẩm, Lê Văn Thân và Phạm Duy Tất thì ở lại đi tù 17 năm. Chứng tỏ 3 ông cũng không phải là nội tuyến của QGP hay là CIA.
Như vậy người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về việc cố tình để mất Quân khu 2 chỉ còn lại ông Tham mưu trưởng Lê Khắc Lý. 34 năm sau CIA đã tiết lộ Lý là nhân viên cao cấp của CIA, vậy thì hành động khó hiểu của Lê Khắc Lý đã trở thành dễ hiểu : CIA muốn Lý vô hiệu hóa khả năng chống cự của quân đội VNCH tại Quân khu 2.
Đây là lý do giải thích vì sao Tướng Viên dưới chỉ thị của Tổng thống Thiệu không cho Tướng Phú lấy người thân cận của mình làm tham mưu trưởng Quân đoàn (Đại tá Cao Đăng Tường hoặc Đại tá Nguyễn Văn Đại ). Mà tướng Viên bắt Tướng Phú phải nhận một điệp viên cao cấp của CIA làm Tham mưu trưởng. Trong khi đó có một ông tướng thuộc loại cây cột chống nhà của Quân khu 2 là Tướng Trần Văn Cẩm đã bị đẩy ra khỏi chức vụ Tham mưu trưởng Quân khu 2 để giữ một chức vụ “ngồi chơi xơi nước”.
Một khi ông Tham mưu trưởng đã có mưu đồ đen tối thì toàn Bộ tham mưu Quân đoàn trở thành vô dụng. Không ai biết đường đâu mà làm việc. Trong khi đó ông tướng Tư lệnh cứ một lòng tin tưởng vào tập thể các sĩ quan tham mưu của mình. Cho tới nay, qua các tài liệu cũng như qua các lời kể, không ai biết được tên của vị Tham mưu phó Hành quân Tiếp vận của Quân đoàn II là ai? Bởi vì mọi việc Đại tá Lý đều ôm hết, làm hết, ngoài Đại tá Lý thì hình như Bộ tham mưu Quân đoàn không còn ai.
Nếu ai đã từng đọc cuốn sách Why Pleime của tướng Nguyễn Văn Hiếu thì sẽ thấy rõ nhiệm vụ của người Tham mưu trưởng Quân Khu như thế nào, và đặc biệt nhiệm vụ của Tham mưu trưởng Quân khu 2 như thế nào. Suốt từ đầu chí cuối trận Pleime 1965 chỉ là tài điều binh của Đại tá Tham mưu trưởng Nguyễn Văn Hiếu. Trong khi đó tướng Tư lệnh Vĩnh Lộc chỉ cần chỉ huy một mình Đại tá Nguyễn Văn Hiếu là đủ rồi.
Còn Lê Khắc Lý thì không có lấy một hành động nào chứng tỏ ông ta là một Tham mưu trưởng Quân đoàn. Xuất thân từ một ông thầy giáo dạy học, cả đời ông ta chỉ là sĩ quan văn phòng, chưa bao giờ cầm quân, chưa bao giờ đánh một trận dù lớn dù nhỏ. Ông ta leo đến chức Đại tá là nhờ cả đời đi học các khóa huấn luyện, mà hầu hết là các khóa đào tạo mật thám của CIA.
Để rồi cuối cùng ông ta được đề cử giữ chức vụ điều binh khiển tướng trên toàn Quân Khu 2. Người cắt cử Lý giữ chức vụ này là Cao Văn Viên, nhưng Cao Văn Viên chỉ là con rối của ông Thiệu và tướng CIA Charles Timme.
Hoạt động chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu VNCH
Trong suốt thời gian QGPMN sắp xếp chuẩn bị tấn chiếm Miền Nam thì Bộ TTM của VNCH, đứng đầu là Tướng Cao văn Viên, đã án binh bất động trước những hoạt động chuẩn bị của QGP. Hồi ký The Final Collapse của Tướng Viên được bắt đầu từ ngày ký Hiệp định ngưng bắn cho đến ngày VNCH sụp đổ; nhưng trong suốt thời gian này Tướng Viên không hề ra một lệnh nào cả, mọi chuyện ông đều để cho các Tư lệnh Quân Khu tự tiên liệu và tự giải quyết.
Vì vậy sức mạnh tấn công của QGPMN thì có tầm cỡ quốc gia (Toàn Miền Bắc và toàn Trung ương cục Miền Nam), trong khi sức mạnh chống đỡ của phía VNCH có tính cách rời rạc của từng Quân khu, hay nói một cách bình dân thì quân đội VNCH chỉ có tứ chi mà không có cái đầu. Bộ TTM/VNCH đã bị vô hiệu hóa, Tướng Cao Văn Viên chỉ còn là cái bóng sau khi Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại VN không còn nữa.
Để giải thích hành động khó hiểu này của Tướng Viên thì cần phải biết tận sâu xa trong đáy lòng của ông :
“Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi” ( Trả lời cho phái đoàn Nghị sĩ và Dân biểu VNCH năm 1971, được ghi trong hồi ký của Tướng Trần Văn Đôn, trang 386 ).
“…VNCH không còn hy vọng nào. Một thực tế gần như hiển nhiên là HK không muốn cuộc chiến tiếp tục, và biểu quyết viện trợ để VNCH đánh tiếp là chuyện sẽ không xảy ra. Đối với HK, cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc” (Cao Văn Viên, The Final Collapse, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong, trang 132 ).
“Một sự thực không thể chối cãi là quân đội VNCH sẽ hết đạn và nhiên liệu vào tháng 6 năm 1975…” ( Cao Văn Viên, trang 136 ).
Lời kết tội độc địa của Cao Văn Viên
Sau biến cố 1975, Tướng Cao Văn Viên viết cuốn sách The Final Collapse; trong đó ông quy trách cho Tướng Phú :
“Sự thay đổi chức Tư lệnh Vùng 2, Quân khu 2 là một trong những biến cố đưa đến sự thất thủ Ban Mê Thuột, và một thời gian ngắn sau, mất cả Vùng 2” ( Bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong, trang 114 ).
Mọi người đều biết là sau khi mất Ban Mê Thuột thì Tướng Thiệu phải rút Sư đoàn Dù và Sư đoàn TQLC ra khỏi Vùng 1, đưa tới hậu quả là mất luôn Vùng 1 và cuối cùng là mất nước. Nếu hiểu đúng ý của Tướng Viên thì chính Tướng Phú đã làm mất nước.
*Chú giải : Tướng Cao Văn Viên mang danh là Tư lệnh lực lượng Dù nhưng chẳng bao giờ có chiến công với binh chủng Dù, chưa bao giờ chỉ huy quân Dù ở cấp trung đội , đại đội hay tiểu đoàn; ông ta chỉ gia nhập binh chủng Dù và tập nhảy dù khi đã là Trung tá. Trước đó chỉ là Thiếu tá tiếp liệu của Phòng 4 Bộ TTM , rồi Trung tá chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ phủ Tổng thống. Rồi từ Đại tá Tư lệnh Dù, ông ta lên Đại Tướng “Nhảy dù” toàn là nhờ phe đảng chứ chưa hề chỉ huy đơn vị ở cấp sư đoàn hay quân đoàn.
*( Thực ra Tướng Viên có chỉ huy một trận duy nhất gồm 2 tiểu đoàn Dù tại Hồng Ngự vào ngày 4-3-1964. Nhưng đây là một trận đánh dõm do Tướng Nguyễn Khánh giàn cảnh để lấy cớ thăng chức Thiếu tướng cho Đại tá Cao Văn Viên.
Nguyên do ngày 30-1-1964 Tướng Khánh, Tướng Khiêm và Đại tá Viên làm một cuộc lật đổ phe Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính…Lực lượng đảo chính là Lữ đoàn Dù của Đại tá Viên. Sau đó Khánh và Khiêm muốn thăng chức để thưởng công cho Cao Văn Viên nhưng vì ngại dư luận cho nên Khánh lập ra trận hành quân Hồng Ngự để làm cớ thăng cấp Thiếu tướng tại mặt trận cho CVV).
So với Tướng Phạm Văn Phú xuất thân từ binh chủng Dù, lăn lóc trên trận mạc từ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng Dù cho tới ngày lên Thiếu tướng Tư lệnh Sư đoàn và Tư lệnh Quân đoàn, mỗi một cấp bậc trên ve áo của ông từ thiếu úy đến thiếu tướng đều là đặc cách vinh thăng tại mặt trận. Nhưng số phận của đất nước đã bắt người có tài phải chết để đền nợ nước. Còn kẻ bất tài lại là ông tướng đầu tiên leo lên máy bay Mỹ đào thoát sang Thái Lan.
Tác giả BÙI ANH TRINH
Post A Comment:
0 comments so far,add yours